weather
Thời Tiết Huế
Nhiệt Độ: 28°C
Hiện tại: mưa nhẹ
đặt phòng giá rẻ tại Huế

Kinh Thành Huế có bao nhiêu cửa vào ?

Kinh thành Huế có bao nhiêu cửa? Các cửa vào kinh thành Huế có tên là gì? Vị trí các cửa ấy nằm ở đâu? Hướng đi ra, vào của các cửa như thế nào? Trong bài viết này, Journeys In Huế cùng chia sẻ với các bạn nhé. 

Chắc hẳn mỗi chúng ta khi nhắc đến Huế đều biết đến kinh thành Huế. Là một tòa thành ở cố đô Huế , nơi đóng đô của nhà Nguyễn – triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam. Ngày nay, kinh thành Huế là một trong số các di tích thuộc cụm Quần thể di tích Cố đô Huế. Quần thể di tích cũng đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới.

Kinh Thành Huế

Có bao nhiêu cổng vào kinh thành Huế? 

Kinh thành có vị trí tọa lạc tại Bắc sông Hương, xoay mặt về hướng Nam. Diện tích của mặt bằng  kinh thành Huế là 520 ha.

Mặc dù tọa lạc tại bờ Bắc, thế nhưng hằng ngày, kinh thành Huế vẫn chứng kiến sự di chuyển của người con xứ Huế, của cả khách du lịch. Và có bao giờ chúng ta tự hỏi: kinh thành Huế rộng đến như thế thì sẽ có bao nhiêu cổng để vào thành?

Đại Nội Kinh thành Huế
Đại Nội Kinh thành Huế

Với Journeys In Huế, câu hỏi thú vị này luôn thôi thúc tụi mình đi tìm kiếm câu trả lời. Và cuối cùng, tụi mình cũng tìm ra được đáp án cho câu hỏi trên. Kinh thành Huế có tổng cộng 11 cửa đường bộ và 2 cửa đường thủy.

Vị trí của các cửa vào kinh thành Huế

Thành có 10 cửa chính gồm:

  • Cửa Chính Bắc (cửa Hậu).
  • Cửa Tây-Bắc (cửa An Hòa).
  • Cửa Đông-Bắc (cửa Kẻ Trài)
  • Cửa Chánh Tây
  • Cửa Tây Nam (cửa Hữu).
  • Cửa Đông Nam (cửa Thượng Tứ ).
  • Cửa Chánh Nam (cửa Nhà Đồ)
  • Cửa Quảng Đức.
  • Cửa Thể Nhơn (cửa Ngăn).
  • Cửa Chính Đông (cửa Đông Ba).

Ngoài ra kinh thành còn có 1 cửa thông với Trấn Bình Đài (thành phụ ở góc Đông Bắc của Kinh Thành, còn gọi là thành Mang Cá), có tên gọi là Trấn Bình Môn.

Hai cửa bằng đường thủy thông Kinh Thành với bên ngoài qua hệ thống Ngự Hà là Đông Thành Thủy Quan và Tây Thành Thủy Quan.

Bốn cửa chính phía Nam

Phía nam của kinh thành giáp đường Trần Hưng Đạo và, Lê Duẩn. 4 cửa chính bao gồm:

1. Cửa Đông Nam – cửa Thượng Tứ

Nằm bên trái cửa Ngăn hướng nhìn từ phía Ngọ Môn. Có tình trạng giao thông lưu thông 1 chiều từ đường Đinh Tiên Hoàng ra đường Trần Hưng Đạo và công viên Thương Bạc.

Vòm cửa được xây dựng năm 1809 dưới thời vua Gia Long. Vọng Lầu được xây dựng năm 1829 dưới thời vua Minh Mạng.

Cửa Thượng Tứ nhìn từ trên cao
Cửa Thượng Tứ nhìn từ trên cao

2. Cửa Thể Nhơn – cửa Ngăn

Cửa Thể Nhơn (Thể Nhơ Môn) hay còn được gọi là Cửa Ngăn nằm phía nam bên trái Kỳ Đài Kinh Thành (cột cờ).

Đường Cửa Ngăn nằm trên địa bàn phường Phú Hòa và Thuận Thành, khởi đầu từ đường Lê Duẩn (ngoài Kinh thành – đoạn gần cầu Phú Xuân), qua cầu Cửa Ngăn bắc ngang Hộ Thành hào, lòn qua cửa Thể Nhơn đến đường Hai Mươi Ba Tháng Tám (trong Kinh thành, gần phía bên trái cửa Ngọ Môn), dài 276m. Đường này chỉ được lưu thông một chiều từ ngoài vào Kinh Thành.

Cửa Ngăn nhìn từ trên cao
Cửa Ngăn nhìn từ trên cao

Vòm cửa Thể Nhơn được xây dựng từ năm 1809 dưới thời vua Gia Long. Ban đầu cửa có tên là Thể Nguyên, sau khi xây dựng vọng lâu xong thì cải thành Thế Nhân.

Bên trong cửa thành phía bên trái đặt 4 khẩu Thần công. 5 khẩu còn lại đặt ở phía bên phải cửa Quảng Đức.

Phía trong cửa 2 bên cổng thành đều có thêm 2 cửa lên Vọng Lâu và thượng Thành.

3. Cửa Quảng Đức

Cửa Quảng Đức nằm ở phía Nam của Kinh Thành, bên phải của Kỳ Đài (cột cờ). Trước đây, cửa Quãng Đức còn có tên gọi là Cửa Sập (do trận lũ lịch sử năm 1953 làm sập cửa).

Vòm cửa được xây dựng vào năm 1809, dưới thời vua Gia Long. Vọng Lâu được xây dựng vào năm 1829 dưới thời vua Minh Mạng. Bên phải cổng thành là 5 khẩu Thần công.

Góc nhìn trên cao của Cửa Nhà Đồ và cửa Quãng Đức
Góc nhìn trên cao của Cửa Nhà Đồ và cửa Quãng Đức

4. Cửa Chánh Nam – cửa Nhà Đồ

Đi dọc theo Thượng Thành sẽ đến cửa Nhà Đồ. Cửa Nhà Đồ có tình trạng giao thông lưu thông một chiều từ đường Nguyễn Trãi ra đường Lê Duẫn.

Cửa nhà Đồ nhìn từ hướng ngoài thành
Cửa nhà Đồ nhìn từ hướng ngoài thành

Vòm cửa được xây dựng năm 1809, dưới thời vua Gia Long. Vọng lâu bên trên được xây dựng vào năm 1829 dưới thời vua Minh Mạng. Trước đây, phía bên ngoài cửa có cục Tượng Ty, được gọi là Đồ Gia, là kho chứa vật dụng, binh khí.

Hai cửa chính phía Tây

Phía tây của Kinh Thành giáp đường Lê Duẩn. Gồm có 2 cửa chính: Cửa Chánh Tây và Cửa Hữu.

5. Cửa Tây Nam – cửa Hữu

Cửa Hữu, có tên chữ là Tây Nam Môn, nằm ở phía Tây Nam của Kinh Thành, ở đầu đường Yết Kiêu.

Các cửa của đại nội Huế

Phần cửa vòm, được xây dựng vào năm 1809, dưới thời vua Gia Long. Vọng lâu được xây dựng năm 1829 thời Minh Mạng.

6. Cửa Chánh Tây

Cửa Chánh Tây nằm ở phía Tây Kinh Thành, trên đường Thái Phiên.

Phần cửa vòm được xây dựng vào năm 1809, dưới thời  vua Gia Long. Vọng lầu bên trên được xây dựng năm 1829, dưới thời vua Minh Mạng.

Hai cửa chính phía Bắc

Phía bắc của Kinh Thành giáp đường Tăng Bạt Hổ. Gồm có 2 cửa chính:

7. Cửa Tây Bắc – cửa An Hòa

Cửa An Hoà hay cửa Tây Bắc nằm ở góc Tây Bắc của Kinh Thành, nối từ đường Nguyễn Trãi ra thẳng đường Tăng Bạt Hổ.

Vòm cửa được xây dựng năm 1809, dưới thời vua Gia Long. Vọng lâu được xây dựng vào năm 1831, thời vua Minh Mạng.

Người dân Huế gọi là cửa An Hòa vì trước mặt cửa thành này là làng An Hòa và chợ An Hòa.

8. Cửa Chính Bắc – Cửa Hậu

Chánh Chính Bắc hay còn gọi là Cửa Hậu. Cửa tọa lạc tại mặt sau của Kinh Thành, nằm cuối đường Đinh Tiên Hoàng, nhìn ra đường Tăng Bạt Hổ.

Vòm cửa được xây dựng năm 1809 dưới thời Gia Long. Vọng lầu được xây dựng vào năm 1831 dưới thời vua Minh Mạng.

Hai cửa chính phía Đông

Phía đông của kinh thành giáp đường Phan Đăng Lưu. Gồm có 2 cửa chính:

9. Cửa Chánh Đông – cửa Đông Ba

Cửa Đông Ba hay còn gọi là cửa Chánh Đông, nằm ở phía Đông Kinh Thành, cuối đường Mai Thúc Loan.

Vòm được xây dựng từ năm 1809, dưới thời vua Gia Long. Vọng lầu được xây dựng năm 1824 dưới thời Minh Mạng.

Cửa Đông Ba hướng nhìn từ phía đường Mai Thúc Loan
Cửa Đông Ba hướng nhìn từ phía đường Mai Thúc Loan

10. Cửa ĐôngBắc – cửa Kẻ Trài

Kẻ Trài hay còn gọi là cửa Đông Bắc,  nằm ở góc Đông Bắc của Kinh Thành, bên bờ Tây của sông Đông Ba.

Vòm cửa được xây dựng vào năm 1809, dưới thời Gia Long. Vọng lầu được xây dựng vào năm 1824, dưới thời vua Minh Mạng.

Kẻ Trài là tên một xóm ở phía trước cửa thành, nơi đây có chợ Mới, có Hàng Bè, có phố Đông Hội.

Ba cửa còn lại

Ngoài 10 cửa chính được đề cập ở trên, còn có 1 cửa Trấn Bình Môn và 2 cửa đường thủy bao gồm:

Cửa Trấn Bình Môn

Cửa này thông đến Trấn Bình Đài ( đồn Mang Cá).  Trấn Bình thuộc vòng tường thành của Kinh thành. Không phải là cửa thông ra ngoài thành mà là thông đến Trấn Bình đài là pháo đài phòng thủ của Kinh thành.

Cửa Trấn Bình Môn
Cửa này được trổ ra ở giữa đoạn thành nối hai pháo đài Bắc Định và Đông Bình (của Kinh thành) lại với nhau.
Ngay trước mặt cửa là một chiếc cầu xây bằng đá và gạch bắc qua hào, dùng để nối liền mạch giao thông giữa hai địa phận của thành chính và thành phụ.

Tây Thành Thủy Quan  – cống Thủy Quan

Tây thành Thủy Quan là cửa đường thủy thông giữa sông Ngự Hà trong kinh thành với sông đào Kẻ Vạn khu vực Kim Long.
Phía bên ngoài thành là cầu Thủy Quan nằm trên đường Lê Duẫn (QL1A đi qua Thành phố).

Đông Thành Thủy Quan – Cống Lương Y

Đông Thành Thủy Quan cũng là một cửa thủy thông giữa sông Ngự Hà với sông đào Đông Ba bên trái kinh thành. Cửa này thông ra phía bên ngoài thành qua cầu Thanh Long (đường Huỳnh Thúc Kháng).

Đông Thành Thủy Quan
Cống Lương Y góc nhìn từ trên cao

Sông Ngự Hà, ban đầu mang tên Thanh Câu dài khoảng 3.600m, chảy vắt ngang qua mặt hậu trong lòng Kinh Thành theo hình thước thợ.

Năm 1820, sông được cải tạo và đổi tên thành Ngự Hà. Nối liền Tây Thành Thủy Quan với Đông Thành Thủy Quan.  Thông nước từ sông Hương qua sông đào Kẻ Vạn với sông đào Đông Ba rồi chảy về ngã Bao Vinh hợp lưu cùng sông cái đổ nước ra cửa Thuận An.

Cống Lương Y nhìn từ xa
Cống Lương Y nhìn từ xa

—-

Cảm ơn các bạn đã theo dõi thông tin mà Journeys In Huế đã tổng hợp và chia sẻ ở trên. Đây là bài viết mà tụi mình rất rất muốn chia sẻ dưới góc độ của những người con xứ Huế muốn tìm hiểu về những gì Huế đã và đang có. Hy vọng bạn sẽ cảm thấy hài lòng với thông tin trong bài viết Có bao nhiêu cửa vào kinh thành Huế.