weather
Thời Tiết Huế
Nhiệt Độ: 28°C
Hiện tại: mưa nhẹ
đặt phòng giá rẻ tại Huế

HIẾU LĂNG – TUYỆT TÁC CỦA SỰ ĐĂNG ĐỐI GIỮA KIẾN TRÚC VÀ THIÊN NHIÊN

Hiếu Lăng hay Lăng Vua Minh Mạng nằm cách thành phố Huế 12km về phía Tây, tọa lạc tại ngã ba Bằng Lãng, là nơi được xem là phong thủy vạn niên cát địa để xây dựng nơi an nghỉ, và mất đến 14 năm để tìm kiếm. Không đâu khác, đó chính là Hiếu lăng – ngôi nhà vĩnh hằng của vị vua tài hoa bật nhất triều Nguyễn – vua Minh Mạng

Hiếu Lăng

Hành trình hôm nay hãy theo chân Journeys In Hue tìm hiểu về ngôi lăng thú vị này nhé

Tìm Hiểu về Lịch Sử của Hiếu Lăng – Lăng Vua Minh Mạng

Vua Minh Mạng (1791-1841) tên thật là Nguyễn Phúc Đảm, là con trai thứ tư của vua Gia Long và Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu. Chuyện kể rằng, một hôm bà Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu nằm mơ thấy có một đám mây bay xuống đậu vào bụng bà, bà đem câu chuyện này kể lại cho vua Gia Long và quần thần. Nghe xong, triều đình cho rằng bào thai này khi sinh ra nếu là nữ thì sẽ xinh đẹp tuyệt trần; nếu là nam thì sẽ văn võ song toàn, tinh anh, đĩnh đạc. Sau đó, bà hạ sinh một vị Hoàng tử, đặt tên là Đảm (Đảm có nghĩa là đám mây)

Hiếu Lăng - Lăng Vua Minh Mạng

Lớn lên, Hoàng tử Đảm là một người thông minh, hiếu học, tinh thông võ nghệ lẫn văn chương nên rất được vua cha yêu thương. Đồng thời thấy Hoàng tử có tư chất thông minh, hiếu thảo và người con cả là Đông Cung Thái tử Nguyễn Phúc Cảnh mất sớm vì bạo bệnh. Nên vua Gia Long đã quyết định truyền ngôi cho Hoàng tử Đảm. Tháng 1/1820, Hoàng tử Đảm lên ngôi, lấy niên hiệu là Minh Mạng, lúc này đã 30 tuổi

Hiếu Lăng - Lăng Vua Minh Mạng

Trong thời gian trị vì của mình, vua Minh Mạng đã kiến thiết nên một đất nước Đại Nam thịnh vượng và hùng mạnh bậc nhất trong 13 đời vua triều Nguyễn. Trong giai đoạn này, lãnh thổ tiếp tục được thống nhất và mở rộng hơn bao giờ hết, kinh tế được mở mang, văn hóa được phát triển, giáo dục được chú trọng, quốc phòng được củng cố,…

Cổng Lăng Vua Minh Mạng

Trong khoảng thời gian tại vị của mình, nhà vua cũng đã cho xây dựng rất nhiều kiệt tác về công trình kiến trúc. Tiêu biểu trong số đó có thể kể đến hai công trình ở Huế: Đó là việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Kinh thành Huế, tái kiến thiết lại diện mạo của Hoàng thành với Tử Cấm Thành. Và thứ hai không thể không kể đến đó là về ngôi nhà vĩnh hằng của nhà vua – Hiếu lăng

Xung Khiêm Tạ

HIẾU LĂNG – Nghệ Thuật Quy Hoạch Phong Thủy của Vua Minh Mạng

vua Minh Mạng là vị vua thứ 2 của triều Nguyễn. Sau 7 năm trị vì, nhà vua đã yêu cầu các quan địa lý và phong thủy tìm đất tốt để xây dựng lăng mộ cho mình. Với quan niệm “Sinh ký tử quy” có nghĩa là chết chưa chưa phải là hết, cuộc sống ở trần thế chỉ là tạm bợ, chỉ có cuộc sống ở thế giới bên kia mới là cõi vĩnh hằng. Vì lẽ đó, các vị vua, chúa thời xưa thường đi tìm cho mình một “cuộc đất” tốt để làm nơi an táng cho mình

Nhà Vua đã sai các quan giỏi về phong thủy và địa lý trong triều đi chọn lựa cuộc đất tốt cho việc xây lăng của mình. Và cuộc đất ở núi Cẩm Kê, ấp An Bằng gần ngã ba Bằng Lãng, nơi hợp lưu giữa hai dòng Tả Trạch và Hữu Trạch tạo nên dòng sông Hương đã được quan địa lý Lê Văn Đức chọn lựa năm 1826

Hiếu Lăng

Và vua Minh Mạng cũng không ngoại lệ, là một người tinh thông Nho giáo, cũng như với sự tiếp thu có chọn lọc từ phong cách xây dựng hoàng lăng của nhà Minh, Hiếu lăng từ đó có kiến trúc đăng đối uy nghi, quy mô hoành tráng nhất trong các triều đại quân chủ Việt Nam lúc bấy giờ.

Hiếu lăng có vị trí được lựa chọn cẩn thận để đảm bảo các yếu tố phong thủy đầy đủ. Lăng lấy ngọn núi Phú Sơn làm yếu tố “tiền án”, hai bên lấy hai ngọn núi Ngọc Trấn và Tôn Sơn làm yếu tố “tả Thanh Long” và “hữu Bạch Hổ” chầu vào ngôi lăng, phía trước lấy ngã ba Bằng Lãng làm yếu tố minh đường, tích nước tụ thủy. Và con suối từ khe núi Cẩm Kê vòng từ phía sau bên trái đến phía trước Minh Lâu, vào Trừng Minh Hồ và nhập vào sông Hương. Nó được gọi là “Tả sa tác án chi huyền thủy” hoặc nước chảy từ bên trái theo hình chữ chi 卮 tạo thành yếu tố minh đường. Trong khuôn viên Hiếu Lăng, trục Thần đạo (hướng Đông Tây) và trục nối liền hai trụ biểu (trục Bắc – Nam) là hai trục chính của lăng.

Yếu Tố Phong Thủy Của Hiếu Lăng

Mỗi ngôi lăng đều đáp ứng được các yếu tố phong thủy khác nhau, hãy cùng vào phần tranh phía trên để thấy được cha ông ta đã lựa chọn thế đất có phong thủy hoàn chỉnh như thế nào!

Thiết kế của Hiếu Lăng vô cùng độc đáo

Hiếu Lăng về cơ bản được lấy ý tưởng và mô thức Thập Tam Lăng của nhà Minh. Kết hợp với phong cách chuẩn mực và nghệ thuật xây dựng truyền thống của người Huế tạo nên một tổng thể kiến trúc trải rộng 17ha với khoảng 40 công trình kiến trúc lớn, nhỏ; được sắp xếp và bố trí một cách đăng đối, trật tự làm cho khu lăng mộ toát lên vẻ đường bệ, uy nghiêm nhưng vẫn hài hòa giữa công trình kiến trúc với thiên nhiên. Khiến cho ta có cảm giác đây là một khu vườn tuyệt đẹp của người sống, chứ không phải là khu lăng mộ cho người chết

Thiết kế của Hiếu Lăng

Tổng thể khu lăng mộ rộng 17ha được bao quanh bởi một vòng la thành và có ba cổng dẫn vào khu lăng. Từ xưa đến nay chỉ ra vào bằng hai cửa phụ hai bên là Tả Hồng Môn và Hữu Hồng Môn. Còn cổng chính là Đại Hồng Môn được mở vào lúc đưa quan tài nhà vua vào lăng

Tam Quan của Hiếu Lăng

Đại Hồng Môn được xây dựng theo lối kiến trúc tiểu biểu kiểu cổng tam quan thời Nguyễn, cao hơn 9m, rộng 12m và được xây bằng vôi gạch. Cổng có 3 lối đi và được trang trí bằng nhiều đồ án trang trí phong phú như hoa mẫu đơn, chim trĩ, hoa mai và chim sẻ,… cổng được sơn màu đỏ tượng trưng cho sự sống và trường tồn của vương triều Nguyễn

Đại Hồng Môn

Đại Hồng Môn

Phía sau Đại Hồng Môn là sân Bái Đình lát gạch bát tràng, hai bên có hai hàng tượng quan văn, quan võ, voi đá, ngựa đá đứng chầu. Đặc biệt Hiếu Lăng cùng với Xương Lăng là hai Lăng có đặt hai tượng nghê bằng đồng hai bên

Sân Bái Đình

Bái Đình

Sân Bái Đình

Phía cuối sân là nhà Bi Đình tọa lạc trên Phụng Thần Sơn. Bi Đình tại Hiếu Lăng được xây theo lối phương đình với lối kiến trúc truyền thống triều Nguyễn. Bộ mái lợp hai tầng, trên đỉnh mái được trang trí hai hình tượng rồng chầu hai bên và trung tâm là bình hồ lô. Bên trong bi đình trên hệ thống vách ngăn được chia thành nhiều ô lớn nhỏ khác nhau. Mỗi ô được trang trí, chạm trổ một tiểu cảnh như hoa, lá, bát bửu cùng một hai câu thơ

Bi Đình

Đặc biệt trên các dải vách còn có 8 chữ Hán lớn viết theo lối triện:”Thánh Văn – Thần Võ – Chí Nhân – Đại Đức” của vua Thiệu Trị dành cho cha mình, ca ngợi ông văn như thánh, võ như thần, nhân từ, đức lớn. Trung tâm bi đình là một tấm bia đá lớn gọi là “Ngự chế Thánh Đức Thần Công bi ký”. Trên đó được khắc tất cả những gì vua Thiệu Trị viết về cha mình từ cuộc đời, tính cách, cho đến công lao.

Thánh Đức Thần Công Bi Ký

Phía sau bi đình là một khoảng sân rộng chia thành bốn cấp dẫn đến Hiển Đức Môn. Hiển Đức Môn cũng là một cổng tam quan được thiết kế như một tòa nhà hai tầng ba gian không chái nằm trên một nền cao được bó vỉa bằng đá thanh

Hiển Đức Môn

Đây là một công trình bằng gỗ được chạm nổi công phu và sơn son thếp vàng, chính giữa được đặt một bức hoành phi chạm nổi 3 chữ “Hiển Đức Môn”. Hiển Đức Môn chính là cánh cổng dẫn vào khu vực tẩm điện, được giới hạn bởi một khung thành hình vuông biểu trung cho đất (theo ý niệm trời tròn đất vuông).

hiển Đức Môn

Điện Sùng Ân – Trung tâm của khu tẩm điện

Trung tâm của khu tẩm điện chính là điện Sùng Ân. Ngôi điện được xây theo lối kiến trúc truyền thống triều Nguyễn “trùng thiềm điệp ốc” – là công trình ghép hai ngôi nhà rường với nhau trên một mặt nền rộng để tạo nên không gian nội thất đồng nhất, được nối với nhau bằng hệ thống mái thừa lưu (vì vỏ cua). Bên trên lợp ngói “hoàng lưu ly” để biểu thị là nơi ngự của nhà vua.

Điện Sùng Ân

Điện Sùng Ân chính là nơi thờ bài vị của vua Minh Mạng và Tá Thiên Nhân Hoàng Hậu Hồ Thị Hoa. Là công trình chính nên bên trong được sơn son thếp vàng lộng lẫy, các đề tài trang trí trong nội thất đều là những đề tài thường gặp ở kiến trúc cung đình Huế. Trong đó có 37 bài thơ tứ tuyệt và hai câu đối do vua Minh Mạng sáng tác đã được ghi chép lại.

Điện Sùng Ân

Phía sau Sùng Ân Điện là hai nhà Tả Tùng Viện và Hữu Tùng Viện. Cũng là hai ngôi nhà rường 3 gian 2 chái lớp ngói thanh lưu ly dành cho các cũng nhân ở để chăm sóc, thờ phụng nhà vua. Cùng với Tả, Hữu Tùng Viện; Hiếu Lăng còn một công trình khác dành cho các phi tần khi xưa và là nơi thờ bài vị của họ đó là Linh Phương Các, nhưng rất tiếc công trình này hiện đã không còn

Điện Sùng Ân

Khu Vực Lăng Tẩm Vua Minh Mạng

Lăng và tẩm chỉ gần nhau trong gang tấc và cách nhau qua một cánh cổng. Con người luôn vui vẻ và sẵn sàng cho cái chết của mình để chờ đợi tử thần dẫn dắt họ đi qua thế giới bên kia, về với cõi vĩnh hằng,.. Con đường đón linh hồn nhà vua đi về cõi vĩnh hằng là cây cầu bắc qua hồ Trừng Minh dẫn đến Minh Lâu, gọi là cầu Trung Đạo. Hai bên có hai cây cầu cho tùy tùng là Tả Phù và Hữu Bật.

Khu Vực Lăng Tẩm Vua Minh Mạng

Minh Lâu là một công trình tọa trên ngọn đồi có tên là Tam Tài Sơn được xây theo lối phương đình. Đây là công trình kiến trúc độc đáo, tiêu biểu nhất khác so với những lăng tẩm còn lại của triều Nguyễn. Và cũng là công trình cao và đẹp nhất tại Hiếu Lăng. Minh Lâu có nghĩa là lầu soi sáng. Nơi đây được xem như là nơi mà nhà vua đến ngắm cảnh, nghỉ ngơi, ngưỡng vọng về các bậc tiên đế.

Minh Lâu

Và sau cùng chính là cây cầu Thông Minh Chính Trực bắc qua hồ Tân Nguyệt dẫn đến Bửu Thành. Cầu Thông Minh Chính Trực dài 50m nằm thẳng trên trục thần đạo của lăng, hai bên có hai lan can bằng sắt và hai đầu có hai vũ môn bằng đồng. Theo điển tích của Nho giáo đó là”cá chép vượt vũ môn hóa rồng”. Trên hai vũ môn được đề hai dòng chữ Hán “Chính Đại Quang Minh” và “Thông Minh Chính Trực” – tượng trưng cho khí chất anh minh của nhà vua.

Cầu Minh Thông Chính Trực

Bửu Thành chính là nơi chôn chất thi hài nhà vua. Bao gồm một vòng thành hình tròn lớn bao quanh huyền cung, huyền cung nơi đặt linh cửu nhà vua. Ngày xưa, khi vua Minh Mạng mất lăng vẫn chưa được xây xong, nên thi hài được quàn tại cung Khánh Ninh. Cho đến khi lăng được hoàn tất năm 1843, linh cửu nhà vua mới được đem từ cung Khánh Ninh di chuyển ngược dòng sông Hương trong ba ngày

Bửu Thành

Đến lăng, linh cửu của vua được chuyển từ Long thuyền đậu ở sông Hương vào quàn ở Điện lau, một ngôi điện dựng tạm cạnh Bửu Thành. Sau khi vua Thiệu Trị làm lễ thì quan tài được đưa theo đường toại đạo, đi vào huyền cung nằm sâu trong quả đồi. Vua Thiệu Trị nhìn vào Tử Cung lần cuối sau đó quay đi và hạ lệnh cho Bộ Công lấp lại.

Bửu Thành

Bên trong Bửu Thành được trồng nhiều loại cây, và phát triển như một khu rừng nhỏ bên trong. Bửu thành chỉ trổ một lối ra vào duy nhất đó là Bửu Thành Môn và quanh năm đóng kín, chỉ được mở vào ngày kỵ của vua Minh Mạng mà thôi.

Bửu Thành

Hồ Tân Nguyệt có hình bán nguyệt ôm lấy bửu thành hình tròn. Hồ tượng trưng cho yếu tố âm bao bọc, che chở cho yếu tố dương là Bửu Thành. Đây là hình ảnh của thế giới vô biên, là quan niệm của cổ nhân về sự biến hóa ra muôn hình vạn vật, là nhân tố tác thành vũ trụ

Hồ Tân Nguyệt
Hồ Tân Nguyệt

Một vài thông tin về Hiếu Lăng tham khảo

Trong khoảng diện tích 17ha là một quần thể kiến trúc cung điện, lầu các, đình tạ,.. được bố trí đăng đối dọc theo đường Thần đạo chạy dài 700m, tạo cho lăng tựa dáng người trong tư thế thoải mái đầu gối lên núi Kim Phụng, chân duỗi ra ngã ba sông, hai bên là hai nửa hồ hồ Trừng Minh như đôi tay đang duỗi thẳng tự nhiên. Nghệ thuật kiến trúc lăng Minh Mạng là sự đăng đối, nghiêm minh chặt chẽ, nhưng lại gần gũi hài hòa với thiên nhiên.

Thiết Kế Của Hiếu Lăng

Hiếu Lăng được xây dựng vào giai đoạn hưng thịnh nhất của triều đại nhà Nguyễn. Với cuộc đất tốt do thầy địa lý Lê Văn Đức tìm ra, cùng với đồ án quy hoạch theo ý của Minh Mạng, các kiến trúc sư và thợ thầy giỏi ngày ấy đã biến một vùng đồi núi hoang vu trở thành một kỳ quan lăng tẩm.

Hiếu Lăng (Lăng vua Minh Mạng) là lăng tẩm thứ ba mà tôi yêu thích sau Ứng Lăng & Khiêm Lăng (sém được đặt tên là Vạn Niên Cơ thời nhà vua Tự Đức còn tại vị).

Năm 1987, đạo diễn Lê Văn Duy cùng đoàn phim Ngoại Ô đã từng đặt chân đến Hiếu Lăng để quay những bối cảnh của nhân vật chính Huệ cùng Thạch đi chơi chuyện trò tại Hiếu Lăng

Du khách khi vào tham quan Hiếu Lăng cứ việc đi bộ về phía trước theo đường thẳng, tha hồ chiêm ngưỡng vẻ đẹp của lăng. Tham quan xong cứ việc quay trở lại cứ theo con đường cũ đã đi lúc đầu, thế nào cũng ra được tới cổng lăng. Khách yên tâm, không có sợ bị đi lạc đường đâu nghen

Viết Bài: Quang Thành

Follow: https://www.facebook.com/JourneysinHue