Có bao nhiêu lăng vua nhà Nguyễn ở Huế hiện nay? Di chuyển đến các lăng vua như thế nào? Nên tham quan lăng vua nào tại Huế? Với những thắc mắc mà nhiều du khách tìm kiếm, Journeys In Huế sẽ mách bạn. Tụi mình sẽ cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích khi tham quan lăng 7 vua nhà Nguyễn ở Huế.
Trong bài viết này, Journeys In Huế sẽ giúp bạn những thông tin về hướng dẫn đi lại, lộ trình tham quan các lăng tẩm và kinh nghiệm du lịch khám phá các lăng tẩm tại Huế. Cùng tụi mình bắt đầu hành trình nhé.
Nội Dung Bài Viết
- 1 Có bao nhiêu lăng tẩm vua nhà Nguyễn tại Huế?
- 2 Kinh nghiệm du lịch: Hướng dẫn tham quan các lăng vua ở Huế
Có bao nhiêu lăng tẩm vua nhà Nguyễn tại Huế?
Triều Nguyễn có 13 vị vua. uy nhiên, chỉ có 7 lăng vua hiện có tại Huế bao gồm:
- Thiên Thọ lăng (lăng vua Gia Long)
- Hiếu lăng (lăng vua Minh Mạng)
- Xương lăng (lăng vua Thiệu Trị)
- Khiêm lăng (lăng vua Tự Đức)
- An lăng (lăng vua Dục Đức, Thành Thái và Duy Tân)
- Ứng lăng (lăng vua Đồng Khánh)
- Tư lăng (lăng vua Khải Định)
Vua Hàm Nghi và vua Bảo Đại được chôn cất ở Pháp.
Vua Kiến Phúc (Bồi lăng) nằm trong khuôn viên của lăng vua cha Tự Đức (Khiêm lăng).
Vua Hiệp Hoà ( là phế đế nên không được xây cất lăng mộ), tuy nhiên sau này đã được Huế xây dựng năm 2013. Thế nhưng công trình lăng vua này không được nằm trong diện bảo tồn của danh sách lăng tẩm các vua nhà Nguyễn của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.
7 lăng tẩm vua nhà Nguyễn nằm ở đâu? Xin mời bạn theo dõi bài viết 7 LĂNG TẨM VUA NHÀ NGUYỄN NẰM Ở ĐÂU để biết vị trí của các lăng vua ở Huế hiện nay.
Kinh nghiệm du lịch: Hướng dẫn tham quan các lăng vua ở Huế
Để giúp các bạn hình dung rõ hơn khi tham quan các lăng vua ở Huế, tụi mình sẽ chia ra một vài mục nhỏ, là những thông tin cần thiết như tour, tuyến đường, thời gian tham quan, lộ trình tham quan… như thế nào. Bằng việc chia nhỏ những mục thông tin như thế này sẽ giúp bạn dễ hình dung hơn và bỏ túi được kinh nghiệm du lịch Huế tham quan các lăng nhé.
Tuyến đường chính nào để bạn tham quan lăng vua Huế?
Hầu hết các lăng vua Huế đều nằm ở phía Tây thành phố Huế. Cho dù bạn lưu trú hay đi từ hướng nào, cách dễ nhất hãy lấy cột mốc Đàn Nam Giao cuối đường Điện Biên Phủ và Phan Bội Châu để làm điểm mốc xuất phát.
Vị trí của Đàn Nam Giao
Để đi được 7 lăng vua ở Huế , bạn có thể đi theo 3 tuyến đường chính với các trục lăng như sau:
- Tuyến đường Minh Mạng – Khải Định. lăng vua Gia Long, lăng vua Minh Mạng, lăng vua Thiệu Trị, lăng vua Khải Định
- Tuyến đường Lê Ngô Cát – Huyền Trân Công Chúa. lăng Tự Đức, lăng Đồng Khánh, và lăng vua Kiến Phúc
- Tuyến đường Võ Văn Kiệt – Tam Thai – Nguyễn Khoa Chiêm. lăng 3 vua Dục Đức, Thành Thái và Duy Tân.
Với 3 tuyến đường chính này, bạn có thể khám phá các lăng vua ở Huế. Tuy nhiên, một cách khác để bạn có thể tham quan chính là khám phá 3 lăng vua lớn và đẹp nhất gồm: lăng Khải Đinh, lăng Tự Đức và lăng Minh Mạng. Đây là 3 ngôi lăng bạn nên dành nhiều thời gian trong hành trình tham quan lăng vua.
Tham quan lăng vua mất bao lâu, thời gian nào thích hợp?
Thời gian đóng cửa các lăng là 5 giờ chiều. Nếu có dự định tham quan thì bạn cần dành ít nhất trong 2 ngày để đi hết được tất cả các lăng vua triều Nguyễn có tại Huế.
Thời điểm tham quan các lăng nên đi vào ban ngày. Kinh nghiệm của Journeys In Huế chính là nên kết hợp đi 2 lăng này trong vòng 1 buổi chiều. Vì vị trí địa lý của 2 lăng nằm xa trung tâm mất nhiều thời gian để di chuyển. Hơn nữa, 2 ngôi lăng này lại có cùng tuyến đường đi.
Lăng Tự Đức và Lăng Khải Định có thể kết hợp để tham quan trong vòng 1 buổi sáng. Các lăng còn lại bạn có thể dành từ 30 phút – 50 phút. Riêng việc di chuyển giữa các lăng có thể mất khoảng 20 phút – 30 phút.
Kinh nghiệm du lịch Huế: Tham quan lăng tẩm cần chú ý điều gì?
- Vào tham quan các lăng tẩm vua Huế có cần lưu ý đến trang phục như các địa danh lịch sử khác ở Thái Lan, Campuchia hay không?
Không. Bạn chỉ cần ăn mặc chỉnh tề là có thể vào tham quan lăng tẩm vua Huế. Không yêu cầu khắt khe về trang phục.
Tại các điểm lăng (nhà hát Khiêm Minh Đường ở lăng Tự Đức) còn có phục dựng trang phụ hoàng cung. Bạn có thể thuê và chụp hình lưu niệm.
- Chuẩn bị gì khi tham quan các lăng?
Bạn không nên mang cồng kềnh quá nhiều đồ khi tham quan các lăng. Diện tích khuôn viên của các lăng rất rộng và bạn phải đi bộ thường xuyên. Vì vậy những vật dụng cần thiết khi mang theo gồm: nước suối, dù (ô), dép/giày thoải mái.
- Giá vé tham quan của các lăng hiện nay (cập nhật đến năm 2020) là bao nhiêu?
- Lăng Minh Mạng/ Tự Đức/ Khải Định: 150.000đ/người lớn, 30.000đ/trẻ em từ 7 – 12 tuổi.
- Lăng Gia Long/ Thiệu Trị/ Đồng Khánh/điện Hòn Chén/cung An Định/đàn Nam Giao: 50.000đ/người lớn, trẻ em miễn phí.
- Tuyến 03 điểm (Hoàng Cung Huế – Minh Mạng – Khải Định): 420.000đ/ người lớn & trẻ em (từ 7 – 12 tuổi): 80.000đ/lượt
- Tuyến 04 điểm (Hoàng Cung Huế – Minh Mạng – Tự Đức – Khải Định): 530.000đ & trẻ em (từ 7 – 12 tuổi): 100.000đ/lượt
- Tuyến gộp các điểm di tích (tham quan tất cả các điểm di tích): 580.000đ & trẻ em (từ 7 – 12 tuổi): 110.000đ/lượt
Hướng dẫn đi lại tham quan các lăng vua Huế
Lăng Gia Long (Thiên Thọ Lăng)
Lăng Gia Long là ngôi lăng xa nhất trong tất cả các lăng. Có 2 cách đi bao gồm:
- Đi theo hướng lăng Minh Mạng. Ngay tại Ngã 3 rẽ vào lăng đường cổng chính lăng Minh Mạng có 1 cây cầu mới. Đi thẳng qua cây cầu mới và chạy thẳng. Đoạn đường đi bao gồm đường trải nhựa và bê tông uốn lượn quanh co. Phong cảnh đường đến Gia Long rất đẹp và yên bình. Đến ngã ba, bạn sẽ rẽ phải và rẽ tiếp thêm 1 đoạn rẽ phải nữa. Bạn có thể hỏi người dân sau khi qua cây cầu này.
- Khi đi về bạn có thể đi bằng đường Cầu phao. Bạn cũng có thể hỏi người dân sẽ hướng dẫn cho bạn cách đi đường Cầu Phao khi trở về. Nếu đi theo tour thì bạn hãy yên tâm vì hướng dẫn viên sẽ chỉ đường đi cho bạn.
Lăng vua Thiệu Trị (Xương Lăng)
- Dọc theo đường Minh Mạng nằm bên trái Đàn Nam Giao, bạn cứ chạy theo một đường thẳng đến khi gặp đường Khải Định.
- Ở ngã ba Minh Mạng và Khải Đinh, , nếu bạn muốn đến lăng Thiệu Trị, hãy rẽ theo đường Minh Mạng, chạy một vài phút đến khi bạn nhìn thấy xung quanh bạn là hai bên đồng ruộng. Lúc này bạn nhìn qua bên trái, bạn sẽ thấy một bức bình phong lớn. Đó là lăng Thiệu Trị.
Lăng Khải Định (Tư Lăng)
- Ngay tại ngã ba Minh Mạng và Khải Định, hãy đi tiếp đường Khải Định, lăng vua Khải Định nằm trên đường đi. Bên tay phải vì đối diện lăng là một bãi giữ xe rất lớn nhưng lại nằm hụt xuống bên dưới. Bên tay trái, lăng Khải Định hiện ra với những hàng bậc cấp rất cao.
Lăng vua Minh Mạng (Hiếu Lăng)
- Cũng trên con đường đi lăng Khải Định, hãy tiếp tục đi đến lăng vua Minh Mạng. Chúng ta có thể đi dọc theo tuyến QL49 – qua cầu Tuần, bắc qua sông Hương, đi tiếp theo con đường có bảng hướng dẫn đến Lăng Minh Mạng.
Lăng vua Tự Đức (Khiêm Lăng) và lăng vua Kiến Phúc
- Từ đàn Nam giao bạn sẽ nhìn thấy một biển chỉ dẫn đi đến lăng vua Tự Đức. Đi theo đường Lê Ngô Cát đến cuối đường có một ngã ba, bạn rẽ sang trái. Thật ra đây là đoạn đường Lê Ngô Cát đâm thẳng vào đường Huyền Trân. Đi một chốc bạn sẽ nhìn thấy bên tay trái có đường Đoàn Nhữ Hài, quẹo vào đường này đi vài mươi mét là đến lăng Tự Đức.
- Tron khuôn viên lăng Tự Đức có một công trình lăng khác chính là lăng Kiến Phúc, hay còn gọi là Bồi lăng.
Lăng vua Đồng Khánh (Ứng Lăng)
- Từ lăng Tự Đức đi thêm khoảng hơn 100m, nhìn về phía bên trái, bạn sẽ nhìn thấy tấm bảng chỉ rằng bạn đã đến lăng tẩm của vua Đồng Khánh, Ứng lăng.
Lăng 3 vua Dục Đức, Thành Thái và Duy Tân
- An lăng vốn là lăng tẩm dành riêng cho vua Dục Đức. Hài cốt của vua Thành Thái và vua Duy Tân được đưa về đây sau này.
- Lăng vua Dục Đức nằm trên đường Duy Tân, phường An Cưu. Đường đi rất dễ. Bạn có thể rẽ trái vào đường Duy Tân từ đường Trần Phú hoặc rẽ từ đường Ngự Bình.
Lời kết: Trên đây là bài viết đầy đủ và chi tiết về kinh nghiệm du lịch các lăng đúc kết từ Journeys In Huế. Hy vọng thông tin trong bài viết sẽ giúp ích cho bạn có lộ trình khám phá các lăng đầy đủ nhất khi đến Huế.