Năm 1802 Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi lấy niên hiệu là Gia Long đóng đô tại Phú Xuân. Ông là vị hoàng đế đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất kéo dài từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mau. Bỏ qua những tranh cãi về cuộc đời đầy sóng gió và phong ba của ông, cuối cùng ở đây Thiên Thọ lăng giữa những dãy đồi trập trùng, thượng nguồn của dòng Hương Giang thơ mộng là nơi ông chọn cho giấc ngủ ngàn thu của mình.
Để biết thêm về sơn lăng của vị hoàng đế đặc biệt biệt này, hãy cùng Journeys In Hue khám phá xem có những điều đặc biệt gì nơi đây nhé
Nội Dung Bài Viết
Một chút thông tin về Vua Gia Long
Vua Gia Long tên thật là Nguyễn Phúc Ánh hay Nguyễn Ánh, là người mở đầu cho triều đại nhà Nguyễn. Sinh thời trong giai đoạn đối đầu với Quang Trung Nguyễn Huệ, Nguyễn Ánh cũng đã bao phen khốn khó cùng cực. Sau những khó khăn nguy hiểm bủa vây, thoát được cái chết đến 18 lần, Nguyễn Ánh cũng đã có được thứ mà mình muốn.
Sau bao gian truân thập tử nhất sinh, đến năm 1802, Nguyễn Ánh đã có trong tay giang sơn và lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu là Gia Long. Cái tên Gia Long được nhiều người lý giải rằng ghép từ Gia của Gia Định và Long của Thăng Long, thể hiện một ước vọng thống nhất đất nước từ Bắc chí Nam. Tuy nhiên sự thật về niên hiệu này vẫn còn đang bỏ ngõ về ý nghĩa thật sự
Với một quan niệm Nho giáo đầy mạnh mẽ, vua Gia Long luôn mang tư tưởng “sống gửi thác về”, tức là cuộc sống trần thế chỉ là tạm bợ, cuộc sống ở thế giới bên kia mới chính là vĩnh cửu. Vì vậy, ngay trong thời gian trị vì, vua Gia Long đã ra điều động cho xây nơi yên nghỉ của mình
Như bao vị vua khác, việc lựa chọn nơi an nghỉ ngàn thu cho mình là một việc quan trọng, cần sự kĩ lưỡng. Vua Gia Long sau khi lên ngôi đã gấp rút tìm kiếm và cho xây dựng sơn lăng của mình ở thượng nguồn của sông Hương.
Về mặt Phong Thủy của Lăng Gia Long – Thiên Thọ Lăng
Nhìn từ kinh thành Huế, tất cả lăng tẩm của các vị hoàng đế triều Nguyễn đều nằm về hướng tây, đây chính là “Thái dương tây hạ” tức là ám chỉ việc băng hà của hoàng đế, Thiên Thọ lăng cũng vậy. Theo như Đại Nam nhất thống chí ” Trước lăng rộng 150 trượng, bên trái, phải và phía sau đều rộng 100 trượng, thành bảo vệ bốn mặt đều dài hơn 40 trượng” có thể thấy quy mô của lăng rộng lớn thế nào.
Cũng vì quá quan tâm đến công trình xây cất “ngôi nhà vĩnh cửu” của mình mà có lần suýt nữa hoàng đế Gia Long đã thiệt mạng trong một tai nạn ở công trường. Một trận gió làm sập ngôi nhà mà ông đang trú ngụ, vua Gia Long tuy đã ẩn trong một cái hố nhưng vẫn bị thương ở trán, mí mắt và bị dập chân do một thanh xà rơi trúng. Hai hoàng tử thứ bảy và thứ tám là Tấn và Phổ bị trọng thương, nhiều người khác bị chết.
Vua không trừng phạt các quan lại thi công, ngược lại đã cấp thuốc men để chạy chữa cho họ, cấp phát 500 quan tiền và 500 tiêu chuẩn gạo cho dân làng Định Môn gần nơi xây dựng lăng.
Thiết Kế và Bố Cục của Lăng
Lăng được xây thành 3 trục chính gồm: bi đình, lăng và tẩm điện. 3 công trình này được xây trên 3 quả đồi nhỏ với các tên gọi: Chính Trung (ở giữa), Thanh sơn (bên trái) và Bạch sơn (bên phải).
Phần tẩm điện thì nằm trên Bạch sơn và được xây tường thành bao quanh. Từ ngoài vô trước tiên sẽ là Môn Lâu, sau đó là tả hữu Tòng tự, rồi đến điện Minh Thành, nơi thờ tự của Thế tổ Cao hoàng đế Gia Long và Thừa Thiên Cao hoàng hậu.
Ngày trước vua Minh Mạng cho thờ tại điện Minh Thành cái mũ trụ, chiếc áo giáp, bộ yên cương, dải ngọc cùng khẩu súng, thanh gươm mà vua Gia Long đã dùng để xông pha chiến trận. Thời gian và khí ẩm đã là hư hỏng tất cả những kỷ vật ấy nên từ lâu đã không còn nữa.
Bi đình được xây dựng trên Thanh sơn, với kiểu dáng là một phương đình với hai tầng mái, bên trong là bia thánh đức thần công do vua Minh Mạng viết cho cha mình để nêu cao công lao của ông.
Tấm bia thánh đức thần công trong bi đình là tấm bia nhỏ nhất trong các tẩm lăng chính của triều Nguyễn. Nội dung trước nói lên nỗi lòng tưởng nhớ tiên đế, sau kể đến việc khai sáng của vua cha, cuối cùng là một bài minh ca tụng những công đức đó với những lời lẽ đầy thiết tha.
Khu Vực Lăng vua Gia Long
Phần lăng của Thiên Thọ lăng được đặt trên đồi Chính Trung, có La thành là những đồi núi nhấp nhô bao quanh cả một vùng rộng, Bửu thành bao bọc lấy hai nhà đá của hoàng đế và hoàng hậu được xây theo kiểu “Càn Khôn hiệp đức”.
Trước lăng là sân bái đình rộng 49m, lát gạch Bát Tràng. Hai bên là tượng hai voi, hai ngựa cùng mười quan văn võ được tạc hoàn toàn bằng đá. Những tượng này được vua Minh Mạng gửi bản vẽ đến Thanh Hóa và Quảng Nam, hai vùng có loại đá tốt và có tay nghề cao. Đến hai năm sau thì mới hoàn thành và cho đặt trước lăng.
Những tấm bia khắc họa được vẻ chân thực các hình tượng đời thật của các quan hay voi ngựa. Qua thời gian, có nhiều tượng đã nhuốm màu thời gian, nhưng vẻ uy nghi của những bậc thần chầu trước lăng vẫn luôn hiện hữu.
Bước qua phần sân bái đình là cánh cửa bằng đồng để tiến vào lăng, nơi đặt huyền cung của vua cũng như hoàng hậu.
Tấm bình phong tiền trước lăng, bình phong được xây lớn, cao quá đầu người. Qua khỏi bình phong là cánh cửa bước vào huyền cung
Bên trong là hai Thạch thất hình chữ nhật, trên có hai mái xuôi trông như hai ngôi nhà nhỏ. Thời gian đã làm cho “hai ngôi nhà” dần sạm đen. Lăng vua và hoàng hậu Thừa Thiên được táng theo lối “Càn Khôn hiệp đức”, nam tả nữ hữu. Theo đó, từ phía trong nhìn ra, vua sẽ ở bên trái và hoàng hậu sẽ ở bên phải.
Đứng từ đây, ta như cảm nhận được vua Gia Long cũng như Thừa Thiên Cao Hoàng hậu ngày qua ngày được ngắm nhìn sông núi, ngắm vẻ giang sơn. Vẻ uy nghiêm được hòa quyện cùng cảnh đẹp xung quanh, trông thật đỗi nên thơ.
Thiên Thọ lăng là sự hùng vĩ bề thế đầy uy quyền của bậc quân vương nhưng cũng không thiếu vẻ đẹp trữ tình thơ mộng từ câu chuyện của Thừa Thiên Cao hoàng hậu cùng Thế Tổ Cao hoàng đế. Là lăng có vị trí xa nhất trong các lăng triều Nguyễn, nhưng Thiên Thọ Lăng là nơi có cảnh trí thiên nhiên tuyệt đẹp, là nơi giao thoa giữa cảnh và vật. Việc đem thiên nhiên hòa quyện cùng kiến trúc đã làm nổi bật lên giá trị nghệ thuật kiến trúc truyền thống của dân tộc ta.
Hãy một lần đến với Thiên Thọ Lăng để hòa mình vào một không gian uy nghi mà cũng rất yên bình. Giữa những cảnh trí đầy chất thơ, cuộc đời của vua Gia Long cũng như Thừa Thiên Cao hoàng hậu được khắc họa đậm nét. Để giữa cái vẻ nhẹ nhàng đó, ta thấy vòng tay của bậc tiên đế như ôm trọn cả giang sơn.
Viết Bài: Quang Huy
Chia sẻ: https://www.facebook.com/JourneysinHue
Ảnh: Journeys In Huế
Bạn có thể quan tâm: