Những lúc đi xa Huế, ngoài món bún bò, bún hến thì chắc có lẽ món bánh bột lọc Huế là loại bánh khiến tụi mình nhớ Huế nhất. Ở Huế, khi nhắc đến món bánh nổi tiếng ni, mọi người sẽ nghĩ ngay đến bánh bột lọc gói lá chuối. Mặc dù món bánh bột lọc trần cũng khiến những con người mê đồ ăn đồ uống thương nhớ không kém cạnh chi.
Nhắc tới bánh bột lọc gói lá chuối, tụi mình nhớ đến mấy dòng thơ của bác Võ Quê, một nhà thơ người Huế những câu thơ:
Bột trong bọc thịt tôm hồng
Lá xanh em gói ươm nồng hương yêu
Bánh ngon nước mắm cay nhiều
Mời anh bữa lỡ ban chiều cùng em…
(“Bánh bột lọc” – Thơ: Võ Quê)
Trong bài viết lần này, tụi mình muốn chia sẻ về món bánh ăn chơi cực ngon của người Huế. Món ăn “đậm đà mùi Huế” có nguồn gốc từ mô, cách làm, cách ăn ra răng thì tụi mình sẽ chia sẻ đầy đủ như ở bên dưới.
Bánh bột lọc Huế gói lá chuối là một món đặc sản đặc biệt của xứ Huế. Ở Sài Gòn, Hà Nội hay các tỉnh lân cận muốn mua bánh lọc gói lá chuối xứ Huế thì mua ở đâu? Mua hàng bánh lọc online có an toàn không? Người bản địa Huế nói gì khi mua bánh lọc gói xứ Huế? Ở đâu tại Huế bán bánh lọc gói lá chuối ngon dùng làm quà? Cùng tham khảo bài viết bên dưới nhé
Nội Dung Bài Viết
Nguồn gốc của bánh bột lọc gói lá chuối
Bánh bột lọc hiện nay có mặt ở khắp mọi nơi. Với thế hệ 9X như tụi mình thì việc tìm hiểu về nguồn gốc của bánh bột lọc thật sự rất khó khăn. Tụi mình lướt một vòng trên google với từ khóa thì nhận được khá nhiều kết quả. Tụi mình cũng đã dừng lại ở một trang với thông tin:
“Cho đến nay ngoài việc mặc định bánh bột lọc có xuất xứ từ miền Trung, chưa thấy tài liệu nào nói về nguồn gốc hoặc thời điểm xuất hiện bánh bột lọc. Nhiều người nghĩ rằng bánh bột lọc xuất phát từ Huế nhưng e rằng đó cũng chỉ là phỏng đoán (!).”
Tuy nhiên, bánh bột lọc dù có là món ăn phổ biến ở Hà Nội, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi…Thế nhưng có lẽ, nguồn gốc xuất xứ sâu xa thì quê hương bánh lọc có chính là ở cố đô Huế. Ngày nay, bánh lọc gói lá chuối đã trở thành một món ăn có hương vị đậm đà của vùng đất quê hương của tụi mình.
Có lẽ vì rứa mà dù có ai đi xa hay có ai lỡ ăn món ăn chơi này cũng đều lưu luyến nhớ thương.
Bánh lọc Huế gói lá chuối có gì đặc biệt?
- Bánh bột lọc Huế là món ăn bình dị cả về nguyên liệu và cách làm.
- Bất cứ già hay trẻ, gái hay trai đều thích thú với món bánh này.
- Bánh là món ăn chơi, ăn chống đói, ăn bữa lỡ, bữa xế chiều
- Phù hợp với dân văn phòng, công sở, hội họp, tiệc tùng, picnic, cắm trại….
Bánh được làm từ nguyên liệu gì?
Thành phần của 1 chiếc bánh bột lọc gói lá chuối bao gồm:
- Bột lọc (bột năng)
- Thịt ba chỉ
- Tôm
- Mộc nhĩ, cà rốt, nấm mèo (bánh bột lọc Huế gói lá chuối chay)
- Hành lá, hành khô
- Lá chuối
- Gia vị: hạt tiêu, hạt nêm, dầu ăn, nước mắm và nước mắm ruốc Huế, chanh, ớt.
Cách làm bánh bột lọc Huế
Bánh bột lọc Huế làm bằng bột sắn được lọc tinh bột, sau đó được luộc một phần nhỏ bột, hoặc dùng nước sôi nhồi kỹ và làm bánh.
Khác với ở những nơi khác, nhân bánh bột lọc Huế được làm bằng tôm và thịt ba chỉ. Sau khi vắt thành bánh, bánh được gói bằng lá chuối và hấp cách thủy hoặc có thể không gói, gọi là bánh lọc trần, luộc chín rồi nhúng nhanh vào nước lạnh đều được.
Bánh thường ăn kèm thêm nước chấm. Nước chấm bánh bột lọc Huế cũng cầu kỳ đậm đà không kém cạnh.
Cách làm nhân bánh bột lọc gói Huế
Hầu như gia đình mô ở Huế cũng đều có thể làm được loại bánh bột lọc Huế. Nhân làm bánh bột lọc bao gồm: Tôm, thịt ba chỉ và gia vị gồm: Tiêu, hành, hạt ném, ớt, dầu, đường, nước mắm, hạt nêm.
Tôm cắt đầu, rút chỉ, bỏ bớt chân và rửa sạch để ráo. Thịt ba chỉ thái lát miếng nhỏ, vừa ăn. Ướp chung tôm thịt gia vị gồm dầu, đường nước mắm. Sau đó, rim phần nhân trên lửa nhỏ. Phi hành, ném nếu thích và xào qua phần nhân chín ngã vàng, có mùi thơm thì tắt bếp để nguội.
Đối với nhân bánh lọc chay thì sao? Tụi mình thường thấy các cô các dì người Huế dùng cà rốt, hành lá, đậu hũ và nấm mèo, xơ chế và xào qua cho nhân chín. Nhân bánh chay đôi khi còn dùng đến đậu xanh hầm nhuyễn nữa các bạn ạ.
Cách làm bánh bột lọc Huế
Thông thường, tụi mình thường hay thấy các chợ đều có bán bột lọc đã nhồi sẵn, rất dễ cho việc làm bánh. Tuy nhiên, nếu không phải ở Huế hoặc với những ai chưa biết cách làm bánh này thì dưới đây tụi mình sẽ chỉ thêm 1 cách khác để chúng ta có thể làm được món bánh lọc Huế.
Bánh bột lọc gói lá chuối
Cho 1 lượng bột lọc hoặc bột năng với 1 lượng nước lọc vừa đủ. Thêm gia vị gồm 1 ít muối, đường và dầu ăn vào chung một nồi. Khuấy đều cho các nguyên liệu quyện đều vào nhau.
Đặt nồi hỗn hợp trên lên bếp đun sôi với mức lửa liu riu. Vừa đun vừa dùng đũa khuấy đều đến khi bột đặt dẻo lại thì dừng, tắt bếp và đợi bột nguội bớt.
Sau đó cho 1 muỗng bột ở trên vào lá chuối đã được rửa sạch lau khô.
Lưu ý lá chuối cần dùng chỉ bằng 1 bàn tay người lớn là đã đủ gói 1 chiếc bánh. Cho thêm nhân đã sơ chế ở trên vào và gói lại. Sau đó mang đi hấp cách thủy khoảng 10 – 15 phút.
Bánh bột lọc trần
Cho bột lọc hoặc bột năng cho vào một cái bát riêng chỗ còn lại cho sang một cái bát khác to hơn.
Cho thêm nước sôi đổ vào bát bột nhỏ, lúc này bột bắt đầu hơi trong,để nguội chút rồi đem trộn với chỗ bột còn lại ở bát to hơn.
Sau đó nhồi, nhồi đến khi nào bột mịn và không dính tay là được.
Khi mới đổ nước sôi vào bát bột đầu tiên, chúng ta dùng thìa to khuấy đều một lúc cho bột bớt nóng.
Sau đó mới đổ bột từ bát này sang bát kia. Lúc này bột sẽ vẫn rất nong nên cứ tiếp tục dùng thìa quấy đều một lúc mới dùng tay nhào.
Sau khi nhồi xong thì vắt từng miếng nhỏ tròn. Rồi ân dẹt miếng bột cho một miếng tôm và một miếng thịt vào giữa. Gấp mép lại với nhau cho khít. Lưu ý chỉ gấp phần mép không gấp phần có tôm thịt.
Sau đó mang đi luộc qua nước sôi khoảng 10-15 phút. Vớt ra cho vào nước sôi để nguội để bánh không bị dính nhau. Sau đó có thể dùng với nước chấm.
Cách làm nước chấm bánh lọc
Nước chấm bánh bột lọc Huế trông có vẻ cầu kỳ nhưng cũng rất dễ làm.
Nước mắm được nấu cùng với đường, nước lọc đun sôi. Cho thêm nước cốt chanh và ớt thái mỏng nếu bạn muốn ă n cay. Chỉ với cách làm đơn giản là bạn có thể tạo ra 1 chén nước mắm ăn bánh lọc Huế thơm ngon.
Địa chỉ bán bánh lọc gói lá chuối ở Huế
Nếu các bạn không có điều kiện để làm, Thổ Địa Huế tụi mình cũng đã tổng hợp lại một số quán bán bánh lọc khá ngon và nổi tiếng tại Huế. Các bạn cùng tham khảo, lưu lại và đến thưởng thức nếu có dịp đi du lịch Huế nhé.
Quán THÚY & Bánh Bèo – Nậm – Lọc
Địa Điểm: 16 Phạm Hồng Thái(xem đường đi Tại đây )
Giờ Mở Quán: 12h30 – 20h00 (buổi chiều)
Quán Bánh lọc Mụ Cai
Địa Điểm: Số 9 Kiệt 475 Chi Lăng, Tp. Huế, Huế (xem đường đi Tại đây )
Giờ Mở Quán: 14h00 – 21h00( Buổi chiều đến tối)
Quán Bà Huê 109 Lê Huân & Bánh-Bèo-Nậm-Lọc
Địa Điểm: 109 Lê Huân, Thành Phố Huế (xem đường đi Tại đây )
Giờ Mở Quán: 13h30 – 19h( Buổi chiều)
Quán Trung Bộ – Bánh Bèo & Bánh Nậm
Địa Điểm: 16 Tô Hiến Thành, Thành Phố Huế (xem đường đi Tại đây)
Giờ Mở Quán: 10h00 – 19h00
Quán Bà Đỏ & Bánh Bèo-Nậm-Lọc
Địa Điểm:sô 8 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Thành Phố Huế(xem đường đi Tại đây )
Giờ Mở Quán: 8h00 – 20h00 ( mở cả ngày)
Ăn bánh bột lọc gói có béo không?
Nếu bạn ăn bánh bột lọc quá nhiều và không khoa học thì khả năng tăng cân rất cao. Các trường hợp có thể khiến bạn dễ tăng cân khi ăn bánh lọc:
- Có nhân đậu xanh (nhiều sẽ dễ gây tăng cân hơn so với nhân tôm hoặc khoai lang).
- Bánh bột lọc chứa hàm lượng đường quá nhiều. (Bánh bột lọc từ Thổ Địa Huế sẽ cân đong gia vị chuẩn phù hợp với sức khỏe của người Việt hiện nay)
- Bánh bột lọc được chan nhiều dầu mỡ hành phi hay nước mắm ngọt. (Bánh bột lọc từ Thổ Địa Huế đều không áp dụng các hình thức này)
- Ăn bánh bột lọc thường xuyên trong thời gian dài sẽ gây tăng cân nhanh
- Ăn bánh bột lọc vào buổi tối trước khi đi ngủ
Cách sử dụng bánh bột lọc Huế gói lá chuối và bảo quản
- Sản phẩm được Thổ Địa Huế và đối tác cung cấp không sử dụng chất bảo quản.
- Có thể cất đông trong vòng 15 ngày.
- Cất ở ngăn lạnh được 5 ngày.
- Trước khi ăn, nếu bạn đang trữ bánh lọc ở ngăn đông, hãy hấp bánh trong vòng 20 phút. (Có thể kiểm tra bánh trong quá trình hấp tùy vào số lượng bánh khi hấp).
- Nếu sử dụng bánh để ở ngăn mát, thời gian hấp bánh khoảng từ 10 phút – 15 phút.
- Sử dụng nồi hấp 2 tầng, xếp bánh xen kẽ sẽ giúp bánh hấp nhanh chín.
- Bánh sau khi hấp ăn liền hoặc để trong vòng 1 ngày. Sau 1 ngày có thể hấp lại để dùng. Hạn sử dụng nên là 2 ngày kể từ sau hấp.
Trên đây là bài viết về món đặc sản ăn chơi thứ thiệt của Huế, món bánh bột lọc. Bài viết tụi mình chia sẻ về cách làm cũng như quán ăn ở Huế. Thiệt sự, để nói nghiện món ăn này thì không hẳn. Nhưng nó lại có cái gì đó khiến những người con sinh ra trên đất Huế như tụi mình phải thèm thuồng, nhớ nhung mỗi khi đi xa.
Bài viết tụi mình có sử dụng một vài từ ngữ địa phương, vì tụi mình muốn giữ một đôi nét gì đó rất Huế. Cám ơn các bạn theo dõi bài viết. Nếu bạn thích có thể nhấn share.
Chúc bạn một ngày vui.